Quýt PQ còn gọi là cam bóc Phủ Quỳ. Năm 2001, Trung tâm Nghiên cứu cây ăn quả Phủ Quỳ lai tạo, nhân giống loài cây này, trồng tại các huyện thuộc vùng Phủ Quỳ gồm: Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Quế Phong, Nghĩa Đàn và thị xã Thái Hòa. Thời điểm đó mỗi gia đình trồng từ một đến vài chục hecta quýt PQ tại vườn nhà và đồi núi, mang lại thu nhập khá.
Loại quả này vị ngọt thanh, mọng nước, vỏ thơm, là thức quà quê nổi tiếng được nhiều người ưa chuộng. Nhưng khoảng ba năm nay quýt giảm giá mạnh. Năm 2023 giá 10.000-12.000 đồng/kg, năm 2024 còn 7.000-8.000 đồng/kg, năm nay là 2.500-3.000 đồng/kg, song vẫn rất khó bán, thương lái không mặn mà thu mua. Hiện nhiều chủ vườn đăng lên mạng xã hội để vớt vát song không ai đoái hoài.
Quýt chín vàng, rụng đầy gốc tại vườn của anh Hiếu. Ảnh: Hùng Lê
Anh Nguyễn Minh Hiếu, trú xã Minh Hợp, huyện Quỳ Hợp, cho biết mùa thu hoạch quýt PQ bắt đầu từ tháng 1 đến tháng 4. Gia đình trồng hơn 1.000 gốc trên vườn rộng 2 hecta, năm nay ước tính 40 tấn quả. Trước đây, thương lái thường đặt hàng mua từ đầu vụ, đến giữa vụ quả đã bán hết. Nhưng giờ cuối vụ, quả trên cây vẫn còn gần một nửa, không ai hỏi giá.
"Một tuần qua tôi phải huy động nhân lực dùng xe đẩy thu gom, đào hố sâu 3-4 m chôn hàng tấn quả bị thối để tránh gây ô nhiễm môi trường", anh Hiếu nói.
Gia đình chị Nguyễn Thị Yến trồng 300 gốc, dự kiến đạt 10 tấn quả. Giữa tháng 3, ước tính còn 6 tấn quả trên cây, chị liên tục gọi đối tác, đăng bài lên các mạng xã hội để bán nhưng chỉ rải rác người trả giá rồi không liên lạc lại. "Ba năm nay tiền bán quýt không đủ chi cho khoản chăm sóc. Thời gian tới gia đình sẽ cải tạo đất để trồng mía, kiếm kế sinh nhai khác", chị Yến nói.
Hàng chục hộ dân tại xã Minh Hợp cũng bất lực nhìn quýt chín rụng đầy gốc. Họ dự tính gom quả ủ làm phân để bón cho hoa màu hoặc các loại cây ăn quả khác.
Người dân thu hoạch quýt bán lỗ, song ít thương lái thu mua. Ảnh: Hùng Lê
Bà Trần Thị Nết, thương lái ở xã Minh Hợp, cho biết khoảng 4-5 năm trước, vào chính hoặc cuối vụ, mỗi ngày thu mua được 10-15 tấn quýt PQ, đem đóng thùng xốp vận chuyển ra Thanh Hóa và các tỉnh phía Bắc nhập cho đối tác, rất được giá. Nhưng hiện nay các thị trường này không còn đặt mua, hàng chủ yếu tiêu thụ ở Nghệ An nên số lượng rất hạn chế, một ngày chỉ bán lẻ được hơn một tấn.
"Trên thị trường có nhiều giống quýt và hoa quả khác nhập về, vì vậy đặc sản của vùng Phủ Quỳ không còn đơn hàng lớn", bà Nết nói.
Từng xem quýt PQ là cây chủ lực, trồng hơn 500 hecta, đến nay ông Lê Viết Minh, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên nông nghiệp Xuân Thành, trụ sở đóng tại huyện Quỳ Hợp, cho biết hiện chỉ còn 20 ha do cây cho hiệu quả kinh tế rất thấp. Doanh nghiệp đã cho chặt bỏ quýt để trồng mía.
Tại các vườn, quýt chín trên cây còn tồn đọng hàng tấn song rất ít đối tác hỏi mua. Ảnh: Hùng Lê
Theo lãnh đạo xã Minh Hợp, xã trồng gần 150 hecta quýt PQ, giảm một nửa so với chục năm trước. Hiện cây ăn quả này đạt năng suất 20-25 tấn một hecta, nhưng do giá lao dốc, thị trường tiêu thụ chủ yếu phụ thuộc vào thương lái vì thế dù vào cuối vụ quả tồn đọng nhiều. Xã đang phối hợp với các cơ quan chuyên môn tìm giải pháp giúp người dân tiêu thụ nhằm gỡ vốn.
Đức Hùng