Vaccine ngừa Ebola được nghiên cứu như thế nào?

22/03/2025
|
0 lượt xem
Mẹo Tư Vấn Sức Khỏe Vaccine
Vaccine ngừa Ebola được nghiên cứu như thế nào?

Thông tin do ông Yap Boun, giáo sư y khoa, Đại học Khoa học và Công nghệ Mbarara, Uganda, chia sẻ trong bài viết trên trang The Conversation hồi tháng 12/2024.

Ebola, còn gọi là tình trạng sốt xuất huyết do virus Ebola, mầm bệnh có thể lây từ người sang người. Bệnh nhân bị tổn thương cơ quan tham gia sản xuất và bơm máu, xuất huyết nặng. Tỷ lệ tử vong dao động khoảng 25-90% trong các đợt bùng phát, tùy thuộc vào hoàn cảnh và mức độ ứng phó.

Theo nghiên cứu của Bộ Y tế Uganda đăng tải trên tạp chí Lancet tháng 7/2024, virus Ebola tàn phá Tây Phi vào năm 2014, gây ra hơn 11.000 ca tử vong Sierra Leone, Liberia và Guinea. Đây là đợt bùng phát Ebola lớn nhất kể từ khi virus này lần đầu tiên được phát hiện ở Cộng hòa Congo vào năm 1976.

Ở thời điểm đó, thế giới chưa có vaccine phòng bệnh này được phê duyệt. Nhiều nhà nghiên cứu gấp rút tiến hành thử nghiệm vaccine.

Vaccine Ebola trong quá trình thử nghiệm. Ảnh: AP

Trực tiếp điều hành thử nghiệm tại Guinea, ông Yap Boun cho biết có khoảng 10.000 người tình nguyện tham gia thử nghiệm chứng minh an toàn và hiệu quả, hơn 500 nhà khoa học và nhân viên y tế tham gia. Họ vượt qua những thách thức lớn về hậu cần và cảm xúc.

Nhóm chuyên gia phải thiết lập một phòng thí nghiệm hoàn chỉnh trong vòng một tuần để xử lý hàng nghìn mẫu thử. Việc cung cấp vaccine yêu cầu các tủ đông cực lạnh ở mức âm 80 độ C, trong khi Guinea không có sẵn loại tủ đông này.

Cộng đồng người dân bản địa, trong đó có nhiều người trong ngành y tế và học thuật, tỏ ra do dự với vaccine này. Họ sợ lây nhiễm căn bệnh gần như là án tử, song vẫn không muốn tiêm vaccine. Đây cũng là bài toán mà nhóm nghiên cứu phải giải quyết.

Để bắt đầu, những nhân viên tuyến đầu và những người có tiếp xúc gần với các ca nhiễm Ebola được tiêm vaccine thử nghiệm, tạo nên một "vòng bảo vệ" xung quanh người bị nhiễm. Các tổ chức uy tín như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Bác sĩ không biên giới cùng nhiều trung tâm nghiên cứu y khoa khác đã tham gia thuyết phục người dân, đóng vai trò khẳng định tầm quan trọng của nghiên cứu.

Đến 18/8/2015, thử nghiệm công bố kết quả sơ bộ. Vaccine có hiệu quả vượt 95%, mang lại hy vọng về "vũ khí" giúp người dân châu Phi phòng Ebola. Tuy nhiên, mãi đến năm 2019, vaccine mới được phê duyệt tại Mỹ.

Thách thức hiện nay

Vaccine Ervebo do hãng dược Merck phát triển, có phác đồ một liều tiêm. Mũi tiêm được sử dụng khẩn cấp trong đợt dịch Ebola 2018-2020 tại Cộng hòa Congo, Burundi, Uganda, Nam Sudan và Rwanda.

Ervebo hiện là công cụ quan trọng trong cuộc chiến chống Ebola, đặc biệt là trong việc kiểm soát các đợt bùng phát do chủng Zaire gây ra - chủng virus Ebola có tỷ lệ tử vong cao nhất.

Tuy nhiên, hiện nguồn cung vaccine vẫn hạn chế. Những khu vực xa xôi tại châu Phi còn thiếu thốn về hậu cần và người dân còn do dự với vaccine do thông tin sai lệch. Việc này khiến cho vaccine chưa được phân phối đến với người dân.

Bên cạnh đó, chỉ tiêm vaccine chưa giúp chấm dứt dịch bệnh do Ebola. Lý do, virus có khả năng tồn tại trong các loài vật như dơi, sau đó lây sang người. Các quốc gia cần kết hợp tiêm chủng, giám sát, gắn kết cộng đồng để kiểm soát dịch bệnh.

Văn Hà

Tin liên quan
Tin Nổi bật